Lưu đày ở Saint Helena Napoléon_Bonaparte

Napoléon trên đảo Saint Helena

Napoléon bị tống giam và sau đó lưu đày tới đảo Saint Helena trên Đại Tây Dương, cách bờ biển Tây Phi 1 870 km. Trong hai tháng đầu tiên ở đây, ông sống trong một căn lều ở khu đất Briars thuộc về một người tên William Balcombe. Napoléon trở nên gần gũi với gia đình này, đặc biệt với cô con gái út tên Lucia Elizabeth người về sau viết cuốn Những hồi ức về Hoàng đế Napoléon[146]. Tình bạn này bị chia cắt vào năm 1818 khi chính quyền Anh bắt đầu nghi ngờ rằng Balcombe đóng vai một người trung gian giữa Napoléon và Paris và đuổi ông này khỏi đảo[147].

Napoléon chuyển tới Longwood House vào tháng 12 năm 1815; nó đã rơi vào tình trạng hư nát, ẩm ướt và gió lùa, hại cho sức khỏe. Tờ The Times đã xuất bản những bài báo ám chỉ rằng chính phủ Anh đang cố gắng làm ông chết mau, và ông thường phàn nàn về điều kiện sống trong những bức thư gửi cho tổng đốc và là người canh giữ ông Hudson Lowe[148].

Với sự đỡ đần của một ít người đi theo, Napoléon viết hồi ký và lên án những người giam giữ ông — đặc biệt là Lowe. Sự đối xử của Lowe với Napoléon bị xem là tồi tệ bởi các học giả như Frank MacLynn[149]. Lowe đã gia tăng thêm tình trạng khổ cực của ông bằng những biện pháp bao gồm sự hạn chế việc đi lại của Napoléon, một quy định yêu cầu không món quà nào được gửi cho ông nếu nó đề cập đến danh hiệu hoàng đế của ông, và một văn bản mà những người ủng hộ phải ký đòi hỏi rằng họ sẽ phải ở lại với người tù thời gian không xác định[149].Năm 1818, The Times tường thuật một tin đồn thất thiệt về sự đào thoát của Napoléon và nói rằng tin tức được chào đón bởi sự thắp nến đồng thời ở nhiều gia đình Luân Đôn[chú thích 10]. Có một sự thông cảm cho ông ở Nghị viện Anh:Nam tước Holland có một diễn văn trước Nghị viện yêu cầu tù nhân phải được đối xử mà không chịu sự tàn nhẫn không cần thiết nào[151]. Napoléon tiếp tục theo dõi thời sự qua tờ The Times và từng hi vọng được thả khi Holland trở thành Thủ tướng. Ông cũng nhận sự giúp đỡ của Nam tước Cochrane, người tham dự vào các cuộc đấu tranh của Chile và Brasil giành độc lập và muốn cứu Napoléon và giúp ông lập nên một đế chế mới ở Nam Mỹ, một viễn cảnh bị sụp đổ bởi cái chết của Napoléon vào năm 1821[152].

Có những âm mưu khác để cứu thoát Napoléon khỏi sự giam cầm bao gồm một âm mưu từ Texas, nơi những người lính lưu đày của Grande Armée muốn một sự phục hưng Đế quốc Napoléon ở Mỹ. Có cả một kế hoạch cứu ông bằng một tàu ngầm sơ khai[153]. Trong thời kì Napoléon bị giam cầm, Nam tước Byron đã viết những vần thơ xem Napoléon như hiện thân của anh hùng lãng mạn, thiên tài bất toàn, cô độc và bị ngược đãi. Tin tức rằng Napoléon khởi sự làm vườn ở Longwood cũng làm dậy lên sự đồng cảm với nhiều gia đình Anh[154].

Qua đời và an táng

Thi hài của Napoléon đến bến Courbevoie.

Ngay từ cuối năm 1817, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh tật nơi vị cựu Hoàng Đế, một phần cũng vì ông thiếu vận động. Napoléon có triệu chứng bị ung thư bao tử. Bác sĩ riêng của Napoléon, Barry O'Meara, cảnh báo chính quyền về tình trạng sức khỏe suy giảm của người tù mà nguyên nhân chính, theo ông, là sự đối xử khắc nghiệt của viên "cai ngục", Lowe, buộc Napoléon giam thân hàng tháng trời trong nơi cư trú hư nát và ẩm ướt Longwood. O'Meara có một liên lạc thư từ bí mật với một thư ký ở Bộ Hải quân Anh, được biết rằng những lá thư này được đọc bởi lãnh đạo cao cấp: ông hi vọng, bằng cách này, cảnh báo chính phủ, nhưng thực tế không đem lại điều gì.[155] Đã vậy, O'Meara còn bị thuyên chuyển đi nơi khác, thay thế bằng một bác sĩ gốc đảo Corse tên là Francesco Antommarchi.

Tháng Hai 1821, sức khỏe Napoléon trở nên suy sụp nhanh chóng, ông phải nằm liệt trên giường. Tháng 4, Napoléon Bonaparte đã đọc lời di chúc cuối cùng, gồm có câu: "Tôi ước muốn nắm xương tàn của tôi nằm bên bờ sông Seine, ở giữa những người dân Pháp mà tôi rất yêu mến. Tôi chết trước thời hạn, bị giết bởi thể chế hoạt đầu Anh và do các kẻ sát nhân được thuê mướn". Ngày 2 tháng Năm hai bác sĩ Anh, những người vừa tới gần đó, chăm sóc cho ông nhưng chỉ có thể kê những liều giảm đau[156]. Ông mất hai ngày sau đó, sau khi trải qua lễ thú tội, xức dầu thánh và ban thánh thể với sự hiện diện của Giám mục Ange Vignali[156]. Những lời cuối cùng của ông là "France, armée, tête d'armée, Joséphine" (Nước Pháp, quân đội, chỉ huy quân đội, Joséphine)[156]. Napoléon đã qua đời lúc 5 giờ 49 phút giờ chiều ngày hôm đó, khi chưa tròn 52 tuổi. Thi thể của ông được mặc bộ quân phục mà ông ưa thích và được phủ lên bằng tấm áo choàng màu xám, tấm áo trận mà ông đã khoác trong trận Marengo.

Trái với di nguyện của ông, tổng đốc người Anh cho rằng ông nên được chôn ở St. Helena, trong Thung lũng Willows. Hudson Lowe khăng khăng đòi câu khắc trên bia mộ phải đề "Napoleon Bonaparte"; những thuộc hạ theo đi đày, MontholonBertrand muốn Đế hiệu "Napoleon" phải được viết chỉ bằng tên đầu. Kết quả là tấm bia mộ để trống tên[156].

Mộ Napoléon ở Điện Invalides.

Năm 1840, Louis Philippe I nhận được sự cho phép của Anh để đem di hài Napoléon về Pháp. Di hài được vận chuyển bằng chiến hạm Belle-Poule, được sơn đen trong dịp này, và ngày 29 tháng 11 nó cập bến ở Chebourg. Di hài tiếp đó được mang bởi tàu hơi nước Normandie tới Le Havre., ngược sông Seine tới Rouen và dừng ở Paris[157].

Ngày 15 tháng Mười hai, tang lễ quốc gia được cử hành. Xe tang di chuyển từ Khải Hoàn Môn xuống đại lộ Champs-Élysées, băng qua Quảng trường Concorde tới Les Invalides (Điện Phế binh) và tới mái vòm ở nhà nguyện St Jérôme nơi nó nằm lại cho đến khi ngôi mộ thiết kế bởi Louis Visconti hoàn thành. Năm 1861, thi hài được táng trong một chiếc quách làm từ đá tràng thạch (porphyry) trong hầm mộ dưới mái vòm của Điện Invalides[157].

Nguyên nhân cái chết

Cuộc khám nghiệm tử thi chỉ ra rằng nguyên nhân cái chết là ung thư dạ dày. Tuy nhiên, François Carlo Antommarchi, bác sĩ riêng của Napoléon và là người chỉ đạo cuộc khám nghiệm, đã không ký vào báo cáo chính thức[158]. Cha của Napoléon cũng qua đời vì ung thư dạ dày nhưng điều này dường như không được biết vào thời điểm mổ tử thi[159]. Antommarchi tìm thấy bằng chứng về một vết loét dạ dày, và đây là cách giải thích tiện lợi nhất đối với chính phủ Anh, những người muốn tránh sự chỉ trích về việc chăm sóc vị hoàng đế Pháp[156].

Napoléon sur son lit de mort (Napoléon hấp hối trên giường), bởi Horace Vernet, 1826.

Năm 1955, nhật ký của người hầu phòng của Napoléon, Louis Marchand, xuất hiện trên báo chí. Bản mô tả về Napoléon những tháng trước khi mất khiến cho Sten Forshufvud đề xuất những nguyên nhân khác cho cái chết, bao gồm sự đầu độc arsen từ từ, trong một bài báo trên tờ Nature năm 1961[160]. Arsen được dùng làm thuốc độc vào thời kì đó bởi khi ấy nó không thể bị phát hiện khi áp dụng trong một thời gian dài. Forshufvud, trong một cuốn sách năm 1978 với Ben Weider, lưu ý rằng cơ thể vị hoàng đế được thấy là được bảo quản tốt một cách đáng ngạc nhiên khi di chuyển vào năm 1840. Arsen là một chất có tính bảo quản mạnh, và do đó điều này củng cố giả thuyết đầu độc. Forshufvud và Weider nhận xét rằng Napoléon từng cố hạ bớt cơn khát bất thường bằng uống nhiều si-rô nước mạch ướp hoa cam (orgeat syrup) chứa các hợp chất xianua trong quả hạnh dùng để tạo mùi[160].

Họ khẳng định rằng kali tactrat, được sử dụng để ngăn dạ dày đào thải các chất này và cơn khát là triệu chứng của đầu độc. Giả thuyết của họ là calomen (thủy nhân clorua HgCl2, xưa kia được dùng làm thuốc nhuận tràng) được áp dụng quá liều cho Napoléon, đã giết ông và để lại những tổn thương mô rộng khắp[160]. Một bài báo năm 2007 đã khẳng định loại arsen tìm thấy trên thân tóc Napoléon là loại vô cơ, độc tính cao nhất, và theo nhà độc dược học Patrick Kintz, điều này ủng hộ kết luật rằng cái chết của ông là một vụ ám sát[161].

Giấy dán tường được dùng ở Longwood chứa nồng độ cao hợp chất arsen được sử để nhuộm màu bởi những nhà sản xuất Anh. Chất kết dính, vốn vô hại ở điều kiện nước Anh, có lẽ đã bị mốc trong khí hậu ẩm hơn nhiều ở St. Helena và nhả ra khí arsin (arsen hidrua, AsH3) độc hại. Lý thuyết này đã được loại trừ do nó không giải thích được số liệu về nồng độ hấp thụ arsen tìm thấy trong các phân tích khác[160].

Dù sao, những nghiên cứu hiện đại tỏ ra nghiêng về chứng cớ giải phẫu ban đầu[161]. Các nhà nghiên cứu năm 2008 đã phân tích các mẫu tóc Napoléon khác nhau từ suốt cuộc đời ông, từ gia đình và những người đương thời. Tất cả các mẫu đều có nồng độ arsen rất cao, xấp xỉ gấp 100 lần con số trung bình. Theo các nhà nghiên cứu này, cơ thể Napoléon đã bị nhiễm độc arsen nặng khi còn là một cậu bé, và nồng độ arsen cao trong tóc không phải do sự đầu độc có chủ ý nào; người ta có thể phơi nhiễm liên tục với arsen từ các loại keo và chất nhuộm trong suốt cuộc đời họ[chú thích 11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Napoléon_Bonaparte http://www.adb.online.anu.edu.au/biogs/A030078b.ht... //nla.gov.au/anbd.aut-an35372777 http://www.e-lir.ch/e-LIR___Lexicon.1735.450.0.htm... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F041455.php http://www.britannica.com/EBchecked/topic/403196/N... http://books.google.com/?id=MdMZqhMzfpYC&pg=PR9&dq... http://books.google.com/?id=rlY2AAAAMAAJ&pg=PA586&... http://books.google.com/books?id=FUaIGHxCIEwC&pg=P... http://books.google.com/books?id=Pw5jup_LyHAC&lpg=... http://books.google.com/books?id=UBilaKRKkC&pg=PA1...